“Chợ bom” đã bớt cưa bom

Nhiều người cho rằng sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông, dân kinh doanh phế liệu là vỏ bom mìn ở “chợ bom” xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An đã biết sợ.

cho cua bom 1

Sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi tìm đến “chợ bom” ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) - nơi mà trước đây sắt, thép phế liệu, trong đó có bom, đạn đều được họ mua tuốt luốt (bài “Chợ… bom” , Tuổi Trẻ ngày 25-5-2005).

Ba cơ sở luyện phôi sắt trong khu công nghiệp của ba ông chủ Nguyễn Tiến Tần, Nguyễn Hồng Sơn và Chu Quang Hùng đều đóng cửa. Đến khi gặp được ông Tần, chúng tôi hỏi ông có mua phế liệu là vỏ bom, vỏ đạn không thì ông ngần ngại một lúc rồi lắc đầu.

Mua bom “sạch”, đạn “sạch”

Theo lời một cửu vạn, chúng tôi đến cơ sở kinh doanh phế liệu cách cơ sở của ông Tần khoảng 100m tìm gặp ông Đồng “sắt vụn”. Ông chủ dẫn tôi đi qua toàn bộ khu sân chất đống phế liệu sắt, thép, bình oxy trước căn nhà nhỏ.

Nghe tôi hỏi giá vỏ bom, vỏ đạn, ông thăm dò: “Hàng từ đâu về?”. Tôi nói từ Lào về. Ông bảo: “Nhiều không, bao nhiêu xe, mỗi xe bao nhiêu tấn? Khi chở qua cửa khẩu thì gọi điện tôi sẽ bố trí thời gian và nơi tập kết”. Nói đoạn, ông dẫn tôi vào nhà.

Trước khi tiếp tục câu chuyện, ông mở tivi cho tôi xem lại vụ nổ tại Hà Đông, rồi cảnh báo: “Lưu ý, tôi chỉ mua bom “sạch”, đạn “sạch” thôi nhé. Giá 500.000 đồng/kg. Cứ cân là đếm tiền”.

Tôi cam đoan, ông dặn tiếp: “Quả bom nào cũng có mấy cái núm. Phải xử lý hết thì về đây tôi mới mua vì những núm bom này đều có thể gây nổ. Riêng đạn cối ngoài việc tháo hết thuốc thì chong chóng cũng phải tháo ra. Về đây tôi còn kiểm tra lại một lần thật an toàn nữa rồi mới chuyển ra bán cho các lò luyện gang ngoài Thái Nguyên”.

Nhắc lại thảm họa vụ nổ ở Hà Đông, ông Đồng “sắt vụn” lắc đầu, phán: “Do chủ quan, gí mũi hàn vào làm tăng nhiệt khiến quả bom phát nổ chứ ở đây họ chỉ dùng cưa tay, có phun nước vào lưỡi cưa làm giảm nhiệt nên khéo tay là cưa được hết. Riêng có hai vụ cưa đầu đạn bị phát nổ làm chết ba người ở làng này cũng là do chủ quan”.

Rồi ông Đồng kể: vụ thứ nhất là hai người con bà Nguyễn Hải Yến ở khối Nam Diễn Hồng, rủ nhau cưa đầu quả đạn cối để lấy thuốc bán, còn vỏ bán sắt vụn.

Đang cưa thì đầu đạn phát nổ, tung cả mái nhà. Một người chết tại chỗ, người còn lại bị gãy chân, cấp cứu được bốn ngày thì chết.

Vụ thứ hai, anh Nguyễn Văn Trinh cũng chết tại chỗ khi cưa đầu đạn B40 tại nhà anh trai do đầu đạn phát nổ.

Kể xong, ông Đồng thú thật: “Đã nhiều lần mua phải vỏ bom, vỏ đạn không an toàn lại gặp mấy vụ tai nạn trong khu công nghiệp nên tôi phải nhờ người khiêng ra nơi vắng gần bãi tha ma hoặc bờ sông chôn sâu xuống chứ không dám sử dụng hoặc đem đi bán”.

cho cua bom 2

Trong một cơ sở kinh doanh phế liệu ở Diễn Hồng hiện nay, đã ít thấy bóng dáng bom mìn - Ảnh: Vũ Toàn

Sẽ phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh

Theo ông Bùi Đình Huy, phó chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, ngoài hai vụ tai nạn mà ông Đồng kể ở trên còn có ba vụ tai nạn khác xảy ra năm 2011 tại ba cơ sở luyện phôi sắt trong Khu công nghiệp Diễn Hồng.

Chủ ba doanh nghiệp này đã yêu cầu nhân công tuyển lựa nguyên liệu thật kỹ trước khi đốt lò, nhất là các đầu đạn, nhưng cơ sở nào cũng dính tai nạn. Người thì mù mắt, người gãy chân, tay và lò bị sập.

Nguyên nhân là do cẩu thả, coi thường tính mạng con người. Hai là do hám tiền vì mua vỏ bom, đầu đạn dạng phế liệu chỉ 5.000-7.000 đồng/kg nhưng thuốc bom, thuốc đạn bán đắt gấp 10 lần, lại còn có vỏ sắt bán phế liệu.

Tuy nhiên ông Huy cho biết so với lượng bom đạn nhiều vô kể cách đây 10 năm thì làng này giờ đã bớt bóng dáng phế liệu là bom mìn. Nhiều người cho rằng sau vụ nổ ở Hà Đông, dân kinh doanh phế liệu là vỏ bom mìn ở đây đã biết sợ.

Ông Huy kể đã năm lần phát hiện những quả đạn còn chong chóng do dân buôn bán phế liệu sợ không dám vận chuyển buôn bán nên vứt ra bờ sông. Cán bộ xã phải cho người đi thu gom vì sợ người khác ôm về lại gặp nạn.

Nói về giải pháp ngăn ngừa tình trạng buôn bán vật liệu nổ, ông Huy kể chuyện sau khi UBND xã vận động, tuyên truyền và cảnh báo những hiểm họa rập rình trong mỗi cơ sở kinh doanh phế liệu thì xã thu gom được hơn 5 tạ đầu đạn có nguy cơ phát nổ.

Ông nói: “Ngoài việc cử cán bộ về từng cơ sở kinh doanh, loa phóng thanh của xã liên tục phát đi những cảnh báo. Nếu cơ sở nào không chịu khai nộp vật liệu nổ hoặc gây tai nạn sẽ bị phạt hành chính và thu hồi giấy phép kinh doanh”.

Hiện xã Diễn Hồng vẫn còn 20 hộ kinh doanh phế liệu dạng này, tất nhiên giờ đây họ đã kỹ lưỡng hơn với các loại bom mìn phế liệu sau nhiều tai nạn xảy ra. Từ Diễn Hồng, các hộ kinh doanh đặt nhiều đại lý thu mua ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Tuổi trẻ

Có thể bạn quan tâm