Gom phế liệu: Lợi nhà, sạch môi trường

Trước thực trạng rác thải như chai lọ, đồ nhựa, bao bì... phát sinh ngày càng tăng, tràn lan, nhiều người dân đã nhanh nhạy mở cơ sở thu gom phế liệu. Cách làm này không những tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

gom phe lieu

Anh Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 5, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) thu mua phế liệu.

Vừa nhanh tay phân loại đống phế liệu mới được thu gom, chị Ngô Thị Thực, thôn Tân Sơn 4, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) vừa trò chuyện với chúng tôi. Chị kể, sau khi xây dựng gia đình, kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Của ăn, của để không có, lắm khi ốm đau phải vay mượn tiền của người thân để chạy chữa. Trong những lần bươn trải tìm hướng làm giàu, chị nhận thấy tại các bãi rác có rất nhiều phế liệu bỏ lãng phí, có thể tận dụng nên năm 2007 chị bắt đầu thu gom. Ban đầu, chị rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp ngõ xóm trong huyện với tiếng rao quen thuộc: “Ai nhôm đồng, sắt vụn đổi bán đây”. Khi đầy xe, chị mang đi bán lấy lãi. Chị Thực cho biết: “Lúc kinh tế dư giả, vợ chồng tôi đã thuê một mảnh đất, quây hàng rào kín xung quanh để gom đồ nhựa, chai lọ... Mỗi ngày thu mua chừng 3-4 tấn bán cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh”. Từ nghề này, gia đình chị xây nhà tầng khang trang, có cuộc sống khấm khá.

Cũng làm chủ một cơ sở thu gom phế liệu, anh Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 5, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Mới ngoài 40 tuổi song vợ chồng anh đã có tài sản trị giá tiền tỷ. Anh Sơn nói: “Cách đây chục năm, tôi lái xe đường dài song công việc không đều nên bàn với vợ mở cơ sở thu gom phế liệu. Dần dần, công việc thuận lợi hơn nên ngoài đặt điểm cân tại nhà, tôi còn dùng ô tô đi khắp tỉnh gom hàng”. Phế liệu mua về với số lượng lớn, vợ chồng anh phải thuê thêm một số lao động phân loại. Cơ sở nhà anh mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn chất thải rắn.

Theo ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trong tỉnh có hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu. Các cơ sở hình thành đã góp phần giảm thiểu lượng rác thải rắn phát sinh, tiết kiệm tài nguyên do được tái chế lại. Đặc biệt, các cơ sở đã thu gom được chai lọ thủy tinh khó xử lý và đồ nhựa hỏng mà nếu đốt thủ công sẽ tạo ra chất nguy hại.

Mang lại nhiều lợi ích song hiện nay hầu hết các cơ sở thu gom vẫn thiếu địa điểm tập kết riêng, chủ yếu là gom hàng để tại nhà. Nhiều hộ chưa xây dựng tường bao, mái che tại các kho chứa, không trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động, thiếu các biện pháp phòng, chống cháy nổ.

Trước thực tế trên, để các cơ sở thu gom phế liệu phát triển bền vững và nhân rộng trong thời gian tới thì ngành chức năng, UBND các huyện, TP cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các chủ hộ thực hiện nghiêm các quy định bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ. Đi đôi với đó là tạo điều kiện về mặt bằng để chủ cơ sở xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi chứa hàng.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Báo Bắc Giang

Có thể bạn quan tâm