Ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu, rác thải công nghiệp tại cảng Hải Phòng

Sắt phế liệu được phát hiện từ những công-ten-nơ tạm nhập, tái xuất, không có chủ gây khó khăn cho công tác xử lý hàng tồn đọng ở cảng Hải Phòng.

thu mua phe lieu hai phong

Bạn đọc phản ánh, nhiều loại hàng hóa gồm nhựa phế thải, sắt vụn, dược phẩm truyền tĩnh mạch quá hạn sử dụng, táo quả, hạt hướng dương, chân, cánh gà đông lạnh bốc mùi hôi thối được "khui" ra từ những công-ten-nơ vô chủ tại cảng Hải Phòng (TP Hải Phòng).

Ðến tháng 10-2017, cảng Hải Phòng còn tồn đọng 2.836 công-ten-nơ hàng hóa vô chủ, trong đó, nhiều lô hàng giá trị thấp, không đủ điều kiện sử dụng, chưa có kinh phí xử lý, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bỏ của trốn trách nhiệm

Tháng 10-2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu khu vực 1 (Cục Hải quan Hải Phòng) liên tiếp phát đi thông báo tìm chủ nhân nhiều lô hàng hóa tồn đọng tại cảng cá Hạ Long, cảng Tân Vũ, cảng Hoàng Diệu (TP Hải Phòng) đã quá thời hạn 90 ngày, nhưng các chủ hàng chưa làm thủ tục hải quan. Thông báo ghi rõ: Thời hạn nhận hàng là 60 ngày kể từ ngày thông báo.

Ðối với hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng đông lạnh, hàng hóa là chất nguy hiểm, độc hại, hàng có hạn sử dụng 60 ngày, thì thời hạn đến nhận hàng là 15 ngày kể từ ngày thông báo. Trong năm ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn đến nhận hàng, mà không có người đến nhận, sẽ xử lý theo Thông tư số 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Xác minh thông tin chúng tôi thấy, nhiều lô hàng hóa mà bạn đọc phản ánh được "khui" ra từ những công-ten-nơ vô chủ, tồn đọng lưu cữu tại các cảng biển ở Hải Phòng sau khi chủ hàng chối bỏ trách nhiệm, buộc ngành chức năng phải xác lập quyền sở hữu nhà nước, gồm: 21.398 kg nhựa phế thải; 6.722 kg dược phẩm truyền tĩnh mạch hết hạn sử dụng; 61.000 kg phần đầu cánh gà và 544.594 kg hạt hướng dương, lạc nhân mốc, bốc mùi hôi thối; 21.122 kg táo quả bị hỏng; 25.560 kg muối mỏ lẫn tạp chất dạng phế thải; 40.480 kg dầu đậu nành hư hỏng không còn giá trị; 2.332 kg cà-phê hết hạn sử dụng và rất nhiều chủng loại hàng hóa khác như: tương ớt đóng chai, cọng thuốc lá, đèn sưởi, lốp cao-su cũ, hàng điện tử, ô-tô... Toàn bộ số hàng này đã được Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp cơ quan chức năng xử lý bằng cách hủy chôn, đốt; hủy bằng hệ thống xử lý nước thải; đóng rắn cô lập đối với các loại hàng bở bục.

Ðối với một số mặt hàng có giá trị thấp, thì chuyển bán đấu giá, bán trực tiếp hoặc tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Phó Cục trưởng Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng cho biết: Sau khi xác lập sở hữu Nhà nước và quyết liệt xử lý, kết hợp thông báo cho các cá nhân, doanh nghiệp đến nhận 976 công-ten-nơ, thì số hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại các khu vực cảng biển Hải Phòng đã giảm gần 50% so với cùng thời điểm năm 2014 tồn đọng hơn 5.000 công-ten-nơ. Kết quả xử lý nhiều lô hàng không đạt chất lượng nhập khẩu, góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân tồn đọng 2.836 công-ten-nơ là do một số chủ hàng chưa đến lấy hàng, chưa từ chối nhận hàng; nhiều công-ten-nơ có chủ, song chủ hàng lại chối bỏ trách nhiệm; nhiều công-ten-nơ hàng hóa không đủ điều kiện sử dụng, hoặc là dạng phế thải phải tiêu hủy, song cơ quan hải quan ở Hải Phòng không có kinh phí xử lý. Toàn bộ số hàng nêu trên do nhiều hãng tàu vận tải biển nước ngoài, trong nước, được các chủ hàng thuê vận chuyển từ nước ngoài về cảng Hải Phòng. Tồn đọng nhiều nhất là lốp cao-su cũ nát. Tuy nhiên, việc xử lý cũng không hề đơn giản, bởi ngành chức năng gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Ngăn chặn hàng nhập khẩu không đủ điều kiện

Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Anh Xuân cho biết: Vướng mắc, bất cập trước hết là do nhiều lô hàng có giá trị thấp, thời gian tồn đọng lâu ngày tại cảng làm chi phí lưu kho, bãi tăng cao. Nhiều lô hàng qua soi chiếu, kiểm tra nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, liên quan đến trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ tài chính của chủ hàng khi xử lý. Do vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp có tên trong vận đơn hàng hóa thường chối bỏ trách nhiệm liên quan. Thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng và đại lý các hãng tàu biển cũng thiếu trách nhiệm báo cáo thông tin thời gian lưu kho, lưu bãi; hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm cung cấp thông tin khi cơ quan hải quan đề nghị mở kiểm tra hàng hóa trong các công-ten-nơ tồn đọng.

Nhiều trường hợp khác, chủ doanh nghiệp, chủ đại lý các hãng tàu biển không đồng ý giải tỏa hàng tồn đọng vì lý do chủ hàng chưa thanh toán tiền lưu kho, lưu bãi, tiền điện bảo quản đối với hàng đông lạnh. Hoặc yêu cầu cơ quan hải quan khi xác lập sở hữu Nhà nước đối với các lô hàng buộc tiêu hủy phải trả tiền lưu kho, lưu bãi cho họ. Ngay như lô hàng lốp cao-su qua sử dụng cũng rất khó xử lý mặc dù Chính phủ có văn bản chỉ đạo cho phép bốn doanh nghiệp trong nước thu mua.

Thực tế mới có Công ty cổ phần năng lượng tái tạo DVA và Công ty cổ phần xử lý phế liệu rắn Việt Nam mua được một phần nhỏ lốp cao-su qua sử dụng. Do vậy, cảng Hải Phòng còn tồn đọng hơn 800 công-ten-nơ lốp cao-su qua sử dụng, chưa thể giải quyết dứt điểm. Các cơ quan chức năng cần mở rộng cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn xử lý phế thải tham gia thu mua lốp cao-su qua sử dụng, mới giải quyết được tận gốc phế thải ở cảng Hải Phòng

Ðược biết, với hệ thống thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng phù hợp với phương thức vận tải biển và hoạt động thương mại quốc tế, cảng Hải Phòng trở thành nơi có lưu lượng hàng hóa thông quan lớn nhất khu vực các tỉnh phía bắc. Hằng năm, cảng Hải Phòng tiếp nhận hàng trăm nghìn lượt tàu vận tải biển từ các nước ra vào bốc xếp hàng hóa trên địa bàn trải dài hơn 10 km, có 35 bến bãi, kho hàng. Hơn nữa, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, nhiều quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa thông thoáng hơn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia các hoạt động xuất, nhập khẩu, cho nên lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng ngày càng gia tăng.

Lợi dụng điều kiện thuận lợi đó, một số doanh nghiệp "lách luật", cố tình nhập khẩu các loại hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, không đủ điều kiện nhập khẩu, như hàng phế thải, rác thải công nghiệp vào cảng Hải Phòng, song lại chối bỏ trách nhiệm. Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng cho biết, có doanh nghiệp còn vận chuyển cả lá khát (chất có khả năng gây nghiện) vào cảng Hải Phòng. Ðiều đó cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường biển chưa được ngăn chặn dứt điểm.

Do vậy, bên cạnh việc xử lý hàng tồn đọng, giải phóng mặt bằng kho, bãi cảng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng quá cảnh, trung chuyển ngay từ khi nhập khẩu cho đến khi tái xuất. Tăng cường hoạt động nghiệp vụ nắm tình hình, xác định đầu nậu, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Từ đó lập các phương án đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các biểu hiện vi phạm pháp luật. Ðồng thời, các bộ, ngành chức năng cần tích cực tham mưu với Chính phủ phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, UBND các tỉnh, thành phố trong việc quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất phù hợp với quy định pháp luật, mới hạn chế tình trạng gian lận nhập phế liệu, rác thải công nghiệp núp bóng hàng tạm nhập, tái xuất vào những tháng cuối năm. 

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Báo nhân dân

Có thể bạn quan tâm