Thu gom, tái chế nhựa Pet – Giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường

Với những ưu thế về độ bền, độ trong, khả năng gia công, nhựa PET ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội với hàng ngàn tấn được sử dụng mỗi năm. Do đó, việc thu gom hàng ngàn tấn vỏ chai PET phế thải thành nguyên liệu phục vụ tái chế là hoạt động thiết thực vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa để khai thác lợi nhuận không nhỏ.

Nhựa PET (polyetylen terephtalat) là một polyme kỹ thuật có độ bền căng và bền va đập, độ kháng hóa chất, độ trong và khả năng gia công tốt. Với những đặc tính đó, nhựa PET ngày càng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp nước giải khát. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hàng năm, bình quân một người Việt sử dụng khoảng trên 40kg nhựa. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, lượng nhu cầu sử dụng thuộc hàng cao nhất với trung bình mỗi năm khoảng 500.000 tấn. Trong đó, nhựa PET được sử dụng khoảng 10% trong tổng số lượng nhựa tiêu thụ. Như vậy, đồng nghĩa với việc sử dụng nhựa PET ngày càng nhiều sẽ phát sinh thêm hàng ngàn tấn nhựa PET phế thải hàng năm ra môi trường. Tuy nhiên, với đặc điểm độ bên cao, khó phân hủy, phế thải nhựa PET tồn lưu trong môi trường trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc xây dựng chu trình thu gom, tái chế nhựa PET là vấn đề cần thiết góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, tiền bạc đồng thời đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp tái chế và góp phần tích cực giải quyết vấn đề việc làm cho xã hội.

chai nhua pet

Ngày 25/9, hội thảo “Quy trình thu gom và tái chế phế liệu nhựa PET”, do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Chất dẻo và Đào tạo (thuộc Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam Vinaplast) và Trung tâm Kỹ thuật Nhựa cao su và đào tạo quản lý năng lượng tổ chức đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm cập nhật tình hình về thị trường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa cũng như đề xuất những giải pháp về ngành nhựa trong thời gian tới.

Hội thảo đánh giá cao vai trò của ngành nhựa trong sự phát triển kinh tế đất nước những năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, hiện nay nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm nhựa hầu như phải nhập khẩu từ 80 - 85%, do ngành hóa dầu trong nước chưa đủ phát triển để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, trong khi biến động giá dầu trên thế giới không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ tới đầu vào của ngành nhựa khi chi phí năng lượng gia công và nguyên liệu liên tục tăng.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đang hướng đến việc sử dụng các nguồn “năng lượng xanh” vừa tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu. Trong đó, giải pháp về thu gom, tái chế phế liệu, mà chủ yếu là nhựa PET bằng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường là vấn đề ưu tiên, vừa giải quyết hàng ngàn tấng phế thải hàng năm vừa bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới./.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Di sản xanh

Có thể bạn quan tâm