Thu mua và tái chế cước phế liệu:Giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường

Khi công nghệ phát triển, cước phế liệu được tái chế thành nhiều loại sản phẩm phục vụ tiêu dùng. Nhiều người đã làm giàu từ loại phế liệu bỏ đi này và môi trường vùng ven biển cũng hạn chế bị ô nhiễm

Trước đây dọc ven biển Quảng Ngãi có nhiều điểm từng gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Nhưng giờ đây, những tấm lưới mục, dây thừng đứt... không còn thấy xuất hiện trong các bãi rác. Anh Nguyễn Chí Thanh ở thôn Hải Tân xã Phổ Quang (Đức Phổ)– người thu gom phế liệu cước, cho biết: “Nay, có nhiều cơ sở thu mua, nên cước phế liệu rất đắt hàng. Sau khi tàu cập bến, nếu cước bị hư hỏng nhiều, chủ tàu không thể vá lại thì liên hệ với đội thu gom phế liệu để bán. Một ký có thời điểm thu mua lên đến 5.000 – 6.000 đồng. Mỗi ngày, cơ sở thu gom từ 2 - 3 tạ cước phế liệu trong vùng và các xã lân cận để gửi vào TP. Hồ Chí Minh tái chế thành lưới đánh cá đủ kích cỡ, đáp ứng cho nhiều ngành nghề đánh bắt”.

thu mua phe lieu cuoc

Từ cước phế liệu, cơ sở anh Quang đã tái chế thành cán chổi nhựa cung cấp cho các làng nghề kết chổi đót trong tỉnh.

Cước phế liệu được thu mua cách đây chừng 10 năm. Trước đây, với loại cước hỏng này ngư dân bỏ đi, hay dùng rào chắn gà để trồng rau, chăn nuôi gia cầm tạm bợ ở các vườn nhà. Sau thời gian không sử dụng thì cước bị chôn vùi trong lòng đất, hay trôi tấp vào các cửa biển. Cước rất khó phân hủy và trở thành chiếc bẫy mỗi khi tàu ra vào cửa biển...

Thấy vùng quê mình lượng cước thải ngày càng nhiều, anh Thanh đã bỏ việc đi biển, ở nhà thu gom và liên hệ với các cơ sở chế biến ở TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Lúc đầu anh chỉ mua về rồi rửa sạch, chặt khúc, dồn bao gửi đi. Nhưng bán hàng thô, không có lợi, anh bàn với vợ mua máy sơ chế cước thành bột rồi mới xuất bán. Nguồn thu nhập từ bán cước phế liệu ngày càng cao, nhưng công việc thì làm không hết. Đây cũng là thời điểm người con trai đầu của anh ra trường nhưng kiếm việc làm rất khó khăn, anh quyết định cho con ở nhà nối nghiệp.

Nghề thu gom và sơ chế cước phế liệu đã giải quyết được việc làm ổn định cho cả vợ, chồng và con anh Thanh từ đó. Anh Thanh cho rằng: “Nghề này không sợ thất nghiệp. Còn biển, còn ngư dân thì nghề tái chế cước phế liệu vẫn còn. Nhất là sau mùa biển hay sau đợt gió mùa đông bắc tràn về thì cước phế liệu vùng ven biển thải ra khá lớn”. Công việc thu gom cước phế liệu tuy cực nhọc nhưng nó đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khá.

Khác với các cơ sở thu gom và tái chế cước phế liệu trong tỉnh luôn nằm sát bên biển, cơ sở của anh Quang tọa lạc tại xã Phổ Phong (Đức Phổ), cách biển chừng 20km. Thế nhưng, đến cơ sở của anh vào giữa tháng ba, mùa ngư dân ra khơi, lưới hỏng chất cao với số lượng hàng chục tấn. Anh Quang bảo: “Từ các loại cước hỏng này, có thể chế biến thành vô số sản phẩm. Loại còn chắc thì sơ chế chuyển đến các cơ sở trong TP. Hồ Chí Minh bán để tái chế thành cước đánh bắt khơi xa, vùng lộng, vùng bờ... Loại không thể tái chế thành cước được thì có thể xay nhuyễn chế biến thành gầu múc nước và một số dụng cụ khác”.

Bên trong cơ sở thu gom và chế biến cước phế liệu của anh Quang có nhiều lao động đang cần mẫn làm việc. Nhóm phân loại cước, chặt khúc, giặt lưới; nhóm xay cước, chế biến. Đặc biệt là từ cước phế liệu này, anh Quang đã sắm máy để sản xuất cán chổi nhựa để cung cấp cho làng nghề chổi đót Phổ Phong. Một công nhân ở đây tiết lộ: “Anh Quang sòng phẳng lắm! Làm sản phẩm được bao nhiêu là ảnh trả tiền bấy nhiêu ngay trong ngày. Một ngày bình quân cũng kiếm được 200 – 250 ngàn đồng”. Theo công nhân này, một dây chuyền làm cán chổi đót phải 10 người. Các anh đã làm được hơn 3 năm nay, luôn có thu nhập ổn định.

Anh Quang chia sẻ, có được cơ sở như hôm nay cũng nhờ người đi trước giúp đỡ. Khi khởi nghiệp làm ăn anh chỉ có hai bàn tay trắng. Vào TP. Hồ Chí Minh, anh làm công nhân cho một cơ sở chuyên thu gom loại cước hỏng. Anh làm được hơn một năm, khi biết chút ít ngón nghề anh mạnh dạn trao đổi với chủ cơ sở để được hỗ trợ vốn về quê mở cơ sở thu mua.

Vốn ở vùng biển nên chỉ sau thời gian ngắn, anh Quang đã thu hút được đội ngũ thu gom cước phế liệu khá lớn để cung cấp theo đơn đặt hàng. Từ đó, anh mở thêm dây chuyền sơ chế, chế biến sản phẩm. Bây giờ cơ sở của anh hằng năm không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng ven biển trong tỉnh.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Báo Quảng Ngãi

Có thể bạn quan tâm