Nghề lấy "lấm lem, nhem nhuốc" để tự bảo vệ mình

Cùng với nhịp sống đô thị, những năm gần đây, nghề thu mua phế liệu đang phát triển khá mạnh khắp các tỉnh, thành. “Đội quân” thu mua đồng nát ở thành phố Bắc Ninh đến từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh như các huyện Lương Tài, Yên Phong, Quế Võ… song có một đặc điểm chung đó là phần lớn những người thu mua phế liệu đều là phụ nữ.

nghe phe lieu

Chị Đức, 47 tuổi, quê ở Hán Quảng, Quế Võ, Bắc Ninh đã có gần 10 năm gắn bó với “nghiệp đồng nát” chia sẻ: “Gia đình ít ruộng nên những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn thường tranh thủ đạp xe loanh quanh thành phố để thu mua đồng nát, nhặt nhạnh vỏ chai, hộp giấy.

Nghề này cũng như đi câu vậy, hôm nào nhiều thì cũng kiếm được trên dưới 100 nghìn, song cũng có hôm chẳng mua được cái gì chú ạ”.

Tính sơ sơ, trên chiếc xe đạp đã bong hết sơn, bình quân mỗi ngày chị Đức cũng đã vượt qua chặng đường 60 - 70km để có thể rong ruổi thu mua phế liệu.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ phải đi xa, đến mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong thành phố, những người thu mua phế liệu còn thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cận kề. Không có phương tiện bảo hộ lao động, thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại, họ phải đối mặt với không ít rủi ro như các bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp…

Đó là chưa kể đến những nguy cơ gặp phải tai nạn giao thông khi cả ngày vất vả trên đường.

“Nhiều người không biết, cứ nghĩ chúng tôi thu mua đồng nát là lãi nhiều lắm. Mọi người đâu biết phần lớn số lãi chỉ nằm ở các đại lý thu mua đồng nát. Họ có nhiều vốn, chỉ việc ở nhà thu mua lại của chúng tôi. Nhiều khi bị họ ép giá, tức phát khóc nhưng cũng chẳng biết làm sao vì không bán cho họ thì không thu lại được tiền vốn” - chị Liên ở An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh bộc bạch.

Cũng theo chị Liên, chị em thu mua đồng nát còn thường xuyên đối mặt với những nguy cơ bị xâm hại tình dục, với những lời mời đầy sức hấp dẫn cùng số tiền có khi còn cao hơn thu nhập cả tháng. Điều này lý giải vì sao nếu thoáng nhìn, phần đông những người thu mua phế liệu đều “lấm lem, nhem nhuốc”, đó là một cách họ “tự bảo vệ mình”.

“Tủi lắm, nhưng phải cố làm vì con cái, vì gia đình” là tâm sự chung của phần nhiều chị em gắn bó với “nghiệp đồng nát”. Và trong hành trình mưu sinh đầy vất vả ấy, sự trưởng thành của con cái, hơi ấm hạnh phúc gia đình chính là nguồn động viên lớn nhất để họ vượt lên những nhọc nhằn, gian nan.

Ăn vội những thìa cơm đã nguội ngắt trong chiếc cặp lồng mang theo, chị Đức phấn khởi hẳn lên khi tôi nhắc đến chuyện học hành của các con. Vừa lau những giọt mồ hôi, chị vừa chia sẻ: “Nghề này của chúng tôi vất vả lắm. Nhưng có lẽ thương mẹ vất vả nên 2 cháu nhà tôi luôn cố gắng học tốt.

Cháu lớn năm ngoái đã thi đỗ đại học, còn cháu thứ 2 đang học lớp 10, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi. Vẫn biết là nuôi các con ăn học không phải là dễ, song những vất vả, mệt nhọc dường như tan biến hết mỗi khi tôi nghĩ đến tương lai của các cháu”.

Tôi chợt nhớ đến câu nói đã được nghe ở đâu đó rằng: “Trên đời này không có nghề nào cao quý hơn nghề nào mà chỉ có những con người cao quý”.

Xin khép lại bài viết này với nụ cười hiền hậu và niềm vui rất đỗi bình dị của một người thu mua đồng nát mà tôi tình cờ được gặp trong một ngõ nhỏ nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Ninh: “May quá chú ơi! Sáng nay mua được hơn tạ giấy vụn của một cơ quan, giờ lại mua được khung cửa sắt này.

Thu nhập hôm nay của tôi chắc sẽ cao nhất từ đầu tháng, vậy là tôi chuẩn bị có đủ tiền đóng học cho các cháu rồi!”.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn Báo pháp luật

Có thể bạn quan tâm