Tái chế rác thải – nguồn lợi lớn cần được quan tâm

Tái chế, tái sử dụng các nguồn phế thải là xu hướng chung của thế giới, đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

tai che phe lieu 1

Tại Việt Nam, trong định hướng phát triển bền vững cũng đã xác định quản lý chất thải là vấn đề trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường, trong đó các giải pháp 3R được đặt lên hàng đầu (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, hoạt động tái chế vẫn còn nhỏ lẻ, phần lớn mang tính tự phát, chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

“Tài nguyên” rác thải

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên – Môi trường, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mỗi năm thải ra khoảng hơn 30.000 tấn chất thải, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế.

Trong đó có đến 50% – 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được tái chế và tái sử dụng.

TP.HCM mỗi năm phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải. Và phần lớn lượng rác này được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bởi hoạt động tái sử dụng và tái chế chất thải mới được triển khai tại Việt Nam vài năm gần đây nên vẫn còn thiếu những chính sách làm cơ sở pháp lý cho việc thực thi.

Theo các quy định về bảo vệ môi trường thì không được phép đầu tư, xây dựng nhà máy tái chế trong các khu dân cư mà chỉ được hoạt động tái chế trong phạm vi cụm công nghiệp, nhưng quy định cụ thể như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Trong khi đó, “nguồn tài nguyên” rác thải của chúng ta rất dồi dào, chỉ riêng chất thải nhựa, trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tấn bị chôn lấp.

tai che phe lieu rac 2

Với chi phí chôn lấp khoảng 300.000 đồng mỗi tấn, nên nếu tái chế và tái sử dụng được số nhựa này thì sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 15 tỉ đồng. TP.HCM trung bình thải ra mỗi ngày trên 7.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó hơn 80% tổng lượng chất thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Nhưng những bãi tập kết rác theo kiểu này đã quá tải, mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh. Có các bãi rác dù đã đóng cửa, không tiếp nhận xử lý rác nữa nhưng nguồn nước ngầm xung quanh vẫn có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng và các loại hóa chất độc hại.

Theo các chuyên gia môi trường, biện pháp chôn lấp rác thải như hiện nay là không an toàn, bởi không làm cho rác bị phân hủy mà còn làm cho khí độc CO2, CH4, NH3… phát tán trong môi trường.

Chưa kể, lượng nhựa tái sinh sẽ góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản phẩm, có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Đã có một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long… đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các nhà máy chế biến từ rác thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ sinh học (compost), khí sinh học (biogas).

Việc tái sử dụng rác thải sinh hoạt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm diện tích đất chôn lấp, đồng thời tạo ra các sản phẩm có ích được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, các dự án chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, vì vậy việc triển khai xử lý rác thải theo hướng có lợi cho môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Đó là do các quy định về thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức về tái chế chất thải rắn chủ yếu vẫn nằm trong các nội dung về bảo vệ môi trường nói chung mà chưa có những chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động tái chế.

Có thể coi Brazil là tấm gương có thể học hỏi về xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải điện tử – một trong những loại rác thải nguy hại. Theo số liệu từ môi trường Liên Hiệp Quốc, Brazil là nước có số lượng rác thải điện tử nhiều nhất trong khối các thị trường mới nổi. Rác thải điện tử thường là tivi, máy chơi game, máy vi tính và điện thoại di động…

Không nhìn rác thải là đồ bỏ đi, nhiều công ty có tầm nhìn đã nảy ra ý định thu gom và tái chế những sản phẩm này, vừa có lợi nhuận, vừa bảo vệ môi trường. Sau khi gom hết những sản phẩm, họ sẽ tiến hành phân loại, chia thành bốn nhóm: nhựa, kim loại, bảng mạch và một số vật liệu có chứa axit nguy hiểm.

Kim loại thì dễ hơn trong việc tái chế thành phẩm hoặc làm nguyên liệu thô, bảng mạch thì có thể sửa chữa, tân trang và xuất khẩu sang Nhật. Loại nào chứa chất hóa học hoặc axit nguy hiểm thì phải tìm cách xử lý đảm bảo không làm hại cho môi trường.

Những nhà máy này đã tạo được công việc làm cho nhiều người dân địa phương, giúp họ cải thiện cuộc sống. Trung bình mỗi năm người dân Brazil bỏ ra 96 ngàn tấn máy tính và 17 ngàn tấn máy in.

Đây cũng là nước đứng thứ hai thế giới về lượng điện thoại di động bỏ đi với 2.200 tấn mỗi năm. Nếu không có cách xử lý, lượng rác thải này sẽ tràn ngập trên đất nước Brazil trong tương lai gần.

Tại Nhật Bản, việc tái chế và tái sử dụng phế liệu luôn được khuyến khích bằng các sắc thuế, các chính sách ưu đãi về tài chính. Người dân nước này phải phân chia rác theo từng loại. Các cơ quan môi trường sẽ đến thu gom rác theo từng loại và chuyển tới các nhà máy xử lý rác.

Một số quốc gia như Thái Lan, Singapore, với việc áp dụng các phương pháp tái chế rác hợp lý, mỗi năm tiết kiệm được 50% – 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng…

Cần những chính sách cụ thể cho hoạt động tái chế rác thải

tai che phe lieu 3

Trong chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh việc đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và tại các làng nghề được thu gom và xử lý theo đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Tuy việc tái chế nguồn rác thải có tiềm năng rất lớn mang lại lợi ích kinh tế và góp phần giải quyết bài toán môi trường, nhưng hiện trên địa bàn thành phố, các cơ sở tái chế chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ nên chưa có khả năng khai thác hết nguồn lợi này. Vì thế, rất khó để đầu tư công nghệ mới và tái chế ra những sản phẩm có giá trị.

Theo Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, hơn 90% cơ sở tái chế chất thải không có cán bộ chuyên trách về môi trường, 94% cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% số cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải. Nhiều cơ sở tái chế chất thải không góp phần bảo vệ môi trường mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất.

Vì vậy, UBND TP.HCM chấp thuận triển khai thực hiện các dự án nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp là một chủ trương có tầm nhìn kịp thời.

Được biết, các dự án này hiện đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư như nhà máy tái chế và xử lý chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày tại khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại an toàn công suất 100 tấn/ngày, dự án khu phức hợp quản lý chất thải công nghiệp tổng hợp công suất 200-360 tấn tại khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp…

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc huy động nguồn vốn cho các dự án là không đơn giản. Vì vậy, nếu không có những chính sách đột phá, trong mục tiêu đến năm 2015 đã đề ra là trong 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế sẽ có 40% làm phân compost, 10% tái chế, 10% đốt phát điện, 40% chôn lấp hợp vệ sinh… vẫn còn là bài toán khó.

Công ty thu mua phế liệu Bảo Phát theo nguồn DNSG

Có thể bạn quan tâm